Đường sách TP Thủ Đức: Điểm nhấn văn hóa đọc đất phương Nam

VHO- Sau nhiều năm “thai nghén” và gần một năm chuẩn bị, Đường sách TP Thủ Đức (TP.HCM) đã chính thức đi vào hoạt động từ cuối tuần qua. Nơi đây được kỳ vọng sẽ trở thành dấu ấn văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân TP, là nơi trao đổi, gặp gỡ của học sinh, sinh viên cũng như điểm đến du lịch thú vị cho du khách.

Đường sách TP Thủ Đức: Điểm nhấn văn hóa đọc đất phương Nam - Anh 1

 Bạn đọc nô nức đến với Đường sách TP Thủ Đức trong ngày đầu tiên mở cửa

Nối dài thành công từ Đường sách TP.HCM

Sau 7 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM đã trở thành nơi chốn quen thuộc của những người yêu sách; và sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức sẽ nối dài thành công ấy cũng như chính thức trở thành Đường sách thứ 2 của TP đi vào hoạt động. Theo đó, Đường sách TP Thủ Đức tọa lạc tại đường Hồ Thị Tư, phường Hiệp Phú, với chiều dài khoảng 190,6m, tổng diện tích 3.508m2, cùng 12 đơn vị xuất bản, phát hành sách, văn hóa dịch vụ tham gia; 22 gian hàng kinh doanh sách và cà phê sách; 1 không gian văn hóa Hồ Chí Minh; 3 sân khấu; không gian trưng bày triển lãm, hoạt động lễ hội; không gian đọc sách cộng đồng, trò chơi trí tuệ vận động nhẹ… Thời gian hoạt động của Đường sách TP Thủ Đức sẽ từ 9 giờ đến 22 giờ hằng ngày.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng cho biết, sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức là thành tựu trong phong trào, sự nghiệp phát triển văn hóa đọc của TP.HCM và cũng là công trình của địa phương đầu tiên ở TP phát triển thành công từ mô hình Đường sách TP.HCM. Đây còn là công trình đầu tiên gắn với lĩnh vực văn hóa - xuất bản nằm trong chuỗi công trình tiêu biểu chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã hoàn thành. Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết thêm, TP dự kiến phát triển các không gian sách ở bốn trục: Phía Đông với Đường sách TP Thủ Đức vừa ra mắt; phía Nam là tại quận 7; phía Tây là ở quận Bình Tân và phía Bắc là ở huyện Củ Chi. “Sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức sẽ cung cấp thêm nhiều kinh nghiệm quý giá cho các địa phương khác và TP.HCM trong việc phát triển các không gian sách, đường sách trong thời gian tới”, ông Thắng thông tin.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, ông Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, việc đi vào vận hành sẽ góp phần đưa công trình Đường sách TP Thủ Đức trở thành một không gian văn hóa và sinh hoạt cộng đồng của người dân, là cơ sở để đẩy mạnh và phát triển nền văn hóa đọc, thiết chế văn hóa ngoài trời. Theo ông Hiệp, TP.HCM đang đặt mục tiêu đăng ký danh hiệu Thủ đô sách thế giới vào năm 2025. Đây là danh hiệu do UNESCO công nhận nhằm khuyến khích phát triển sách và văn hóa đọc. Nhằm nhân rộng mô hình đạt được của Đường sách TP.HCM và góp sức cùng TP xây dựng mục tiêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức đã thông qua chủ trương thực hiện đề án Đường sách TP Thủ Đức vào tháng 5.2022, để từ đó vận động các nguồn lực trong xã hội để cùng xây dựng.

Đường sách TP Thủ Đức: Điểm nhấn văn hóa đọc đất phương Nam - Anh 2

 Đường sách mới được kỳ vọng sẽ trở thành điểm hội tụ văn hóa, sinh hoạt, giải trí hữu ích của người dân

Tuy cũ mà mới

Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, dựa trên thực tế kinh nghiệm thành công, thất bại của các Đường sách đã triển khai trong những năm qua khắp cả nước, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp cùng UBND TP Thủ Đức tích cực trong công tác điều hành hoạt động, có kế hoạch tài chính, đầu tư ngân sách cho Đường sách nhằm kiến tạo thêm nhiều tiện ích, phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là các sân chơi và các trải nghiệm công nghệ mới, chuyển đổi số để xứng tầm là TP trẻ, năng động, công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Chính vì thế, bên cạnh nhiệm vụ phục vụ bạn đọc, Đường sách TP Thủ Đức sẽ có thêm nhiều tiện ích mới nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân nơi đây. Ông Lê Hoàng kỳ vọng, Đường sách khi đi vào hoạt động sẽ là thiết chế văn hóa ngoài trời, là không gian văn hóa tri thức, giáo dục, dịch vụ văn minh thông qua sự lan tỏa của sách, phát triển văn hóa đọc, cũng như sẽ là điểm đến tinh thần được người dân yêu mến.

Nói về những lợi thế của Đường sách TP Thủ Đức, ông Lê Hoàng cũng cho biết, lãnh đạo TP đã và đang tạo điều kiện tối đa cho cơ sở vật chất và các cơ chế, chính sách, chủ trương phối hợp tổ chức, còn việc kinh doanh, hoạt động thì các đơn vị tại Đường sách có được sự chủ động rất cao để phát huy tính chủ động, sáng tạo, tạo ra nhiều hoạt động tích cực và có hiệu quả. Đặc biệt, Đường sách rất gần với các cơ sở giáo dục và nhiều trường đại học, cao đẳng, vì thế, tệp khách chính sẽ là cư dân, học sinh, sinh viên, với nhu cầu tìm kiếm kiến thức, tri thức, chất liệu học tập…. Cùng với đó, không gian ở Công viên Hồ Thị Tư vốn là một điểm đến của rất đông bạn trẻ, cũng như là nơi tổ chức nhiều hoạt động vào các dịp Tết, hội chợ, triển lãm... Vì vậy, Đường sách mới sẽ được tiếp tục kế thừa đặc điểm thuận lợi này, trở thành một điểm hội tụ, sinh hoạt, giải trí hữu ích cho người dân.

Có thể thấy, sự ra đời của Đường sách TP Thủ Đức hứa hẹn sẽ trở thành một điểm hẹn văn hóa thân thiện, hơn thế nữa, góp phần đưa sách đến với công chúng, phát triển văn hóa đọc, hình thành các tụ điểm, không gian văn hóa phục vụ nhu cầu giải trí lành mạnh của nhân dân trong và ngoài địa phương. 

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc